TẠO KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ CHO DỊCH VỤ PHỤ TRỢ BẢO HIỂM

Hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm đang có xu hướng phát triển mạnh và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh. Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý cho loại hình dịch vụ này đến nay vẫn chưa có.

 

cucquanlybaohiem

 

 

Đại diện Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nêu một số nội dung chính của chính sách phụ trợ bảo hiểm. Ảnh Đ.Doãn

Ngày 8/4 tại TP. Hồ Chí Minh, hai đơn vị thuộc Bộ Tài chính là Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam và định hướng chính sách”. Mục đích hội thảo nhằm thảo luận và lấy ý kiến đề xuất đối với định hướng chính sách phát triển dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo các cam kết mở cửa thị trường và phục vụ sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận cam kết mở cửa của Việt Nam đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; về các loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm…; cũng như thảo luận về định hướng chính sách, quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại Việt Nam.

Theo ông Phạm Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, trong quá trình đàm phán và gia nhập các khung khổ hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã cam kết nhiều nội dung, như: cho phép cung cấp qua biên giới, cho phép tiêu dùng tại nước ngoài; cho phép thành lập doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và không cam kết về di chuyển thể nhân… Các cam kết này được thể hiện rõ nhất tại biểu cam kết cụ thể về dịch vụ của Việt Nam với WTO.

Trên thực tế, Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, gần đây nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nên đã cam kết mở cửa thị trường đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn CPTPP, đã ban hành danh mục các luật cần phải sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong CPTPP, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm).

toan canh
Đại diện các doanh nghiệp trao đổi về thực trạng và nêu khuyến nghị đối với một số loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm tại hội thảo. Ảnh Đ.Doãn
Giúp thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, bền vững

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Đạt – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính cho biết, tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm đã và đang sử dụng các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm như: tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm…

Các loại hình dịch vụ này đang có xu hướng phát triển mạnh và có vai trò quan trọng trong thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro; hạn chế tổn thất, gian lận bảo hiểm; tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường; tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp (DN) bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ quyền lợi người tham gia bảo hiểm…

Tại hầu hết các quốc gia, hoạt động này đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế, giúp tăng năng lực cạnh tranh; tạo thêm nhiều cơ hội kinh doanh, khởi nghiệp; tăng cường áp dụng công nghệ, kết nối nội ngành và liên ngành; bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng.

Thị trường bảo hiểm càng phát triển thì sự tác động của dịch vụ phụ trợ đến hoạt động bảo hiểm cốt lõi càng tăng do xu thế chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có khung khổ pháp lý về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Điều này dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực thi và áp dụng pháp luật, hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

“Qua khảo sát kinh nghiệm và pháp luật một số nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và trong khu vực cho thấy, hầu hết đều có quy định cụ thể, rõ ràng về hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Các quy định này đã tạo hành lang pháp lý trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự phát triển của thị trường bảo hiểm; đồng thời tạo cơ sở để cơ quan quản lý bảo hiểm có đủ thẩm quyền, công cụ quản lý, giám sát hiệu quả hoạt động phụ trợ bảo hiểm” – ông Phạm Tiến Đạt nói