Các bước xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Công Văn số 771/TTg-KGVX Về việc thực hiện Kết luận số 11-KL/TW ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư về an toàn thực phẩm ngày 04/06/2017. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm. Đồng thời, chậm nhất tháng 11 năm 2017, Bộ Y tế phải trình Chính phủ Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm theo hướng tăng mức xử phạt, bảo đảm tính răn đe.

Như vậy, vấn đề an toàn thực phẩm đang và sắp tới sẽ được quản lý chặt hơn, các mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm cũng sẽ tăng lên, do đó, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần chú ý đề thực hiện đúng việc xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).

Các bước xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm

Bước 1: Xin giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP

Chủ cơ sở và các nhân viên trực tiếp và gián tiếp tiếp xúc với thực phẩm phải đi tập huấn và thi lấy Giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP tại cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có thẩm quyền theo từng lĩnh vực hoạt động của cơ sở.

Chủ cơ sở và các nhân viên sẽ được đi tập huấn và tham gia thi để lấy Giấy xác nhận kiến thức ATTP khi đạt kết quả trả lời đúng 80% các câu hỏi trong đề thi ATTP.

2. Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP:

Sau khi có giấy xác nhận tập huấn kiến thức ATTP, cơ sở nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tùy theo lĩnh vực hoạt động cụ thể:

– Lĩnh vực nhà hàng dịch vụ ăn uống: Chi cục An toàn thực phẩm – Sở Y tế cấp phép

– Lĩnh vực kinh doanh tổng hợp, bán buôn bán lẻ bánh mứt kẹo, mỳ ăn liền, rượu…: Sở công thương cấp phép

– Lĩnh vực kinh doanh thủy hải sản, gia súc gia cầm tươi sống, sản xuất thực phẩm từ thực phẩm tươi sống…: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cấp phép

– Lĩnh vực kinh doanh thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng, sữa công thức…: Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế

Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan nhà nước sẽ tổ chức k thẩm định cơ sở thực tế của doanh nghiệp để kiểm tra các điều kiện thực tế có đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm hay không. Nếu cơ sở thẩm định đạt, sau 7 – 10 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ cấp Giấy chứng nhận cơ sở đạt đủ điều kiện VSATTP cho cơ sở đó.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP, các doanh nghiệp lưu ý vẫn phải duy trì và đáp ứng các điều kiện về ATTP cho cơ sở của mình, đồng thời định kỳ 6 tháng – 1 năm cho nhân viên đi tập huấn cập nhật kiến thức ATTP và các quy định mới nhất liên quan đến an toàn thực phẩm.

Để được tư vấn chi tiết hơn về các quy định liên quan đến ATTP, hồ sơ, trình tự thủ tục xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, Quý khách hàng vui lòng liên hệ trực tiếp tới Luật Đông Á để được các chuyên viên và luật sư tư vấn.